Home / Tin tức-Sự kiện / Tin khác / Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo do nấm Ceratocysts sp. cho Keo lá tràm, Keo lai và Keo tai tượng”.

Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo do nấm Ceratocysts sp. cho Keo lá tràm, Keo lai và Keo tai tượng”.

Thực hiện Quyết định số: 435/QĐ/KHLN-KH ngày 10/12/2021 của của Giám đốc Viện về việc Thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo do nấm Ceratocysts sp. cho Keo lá tràm, Keo lai và Keo tai tượng”.

Chủ trì: GS.TS. Phạm Quang Thu

Đơn vị thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng.

Mục tiêu:

Xây dựng được quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo do nấm Ceratosysts sp. cho Keo lá tràm, keo lai và Keo tai tượng góp phần nâng cao năng suất và quản lý rừng trồng bền vững.

Nội dung nghiên cứu của đề tài

Nội dung 1: Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh chết héo đối với rừng trồng keo lai, Keo lá tràm và Keo tai tượng tại 15 tỉnh

Nội dung 2: Nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh thái của nấm Ceratocystis sp. gây bệnh chết héo rừng trồng các loài keo

Nội dung 3: Nghiên cứu biện pháp phòng trừ nấm Ceratocystis sp. gây bệnh chết héo rừng trồng keo lai, Keo lá tràm và Keo tai tượng

Nội dung 4: Xây dựng mô hình phòng trừ tổng hợp nấm Ceratocystis sp. gây bệnh chết héo

Nội dung 5: Xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp và chuyển giao quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo

Hiệu quả do đề tài, dự án mang lại:

  1. a) Hiệu quả về khoa học và công nghệ:

Kết quả nghiên cứu đã xác định nấm gây bệnh chết héo keo thuộc loài Ceratocystis manginecans. Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo do nấm C. manginecans là trên vỏ của thân cây hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm. Vỏ và gỗ xung quanh vết bệnh thường bị chuyển màu nâu đen hoặc xanh đen, có thể chảy nhựa hay sùi bọt. Khi cây bị bệnh, tán lá bắt đầu héo từ trên ngọn xuống và sau đó cây sẽ bị chết.

Đề tài xác định được các đặc điểm sinh học, sinh thái của nấm gây bệnh. Nấm C. manginecans không thể xâm nhập và gây bệnh cho cây khi gây bệnh trên vỏ cây. Khi gây tổn thương và nhiễm bệnh vào lớp tượng tượng tầng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nấm xâm nhập với thời gian ủ bệnh chỉ từ 5-7 ngày và 100% cây thí nghiệm bị nhiễm bệnh. Nấm gây bệnh xâm nhiễm qua các vết thương trên thân, cành và rễ cây. Rừng trồng các loài keo bị nấm gây bệnh chết héo xâm nhiễm mạnh nhất khi trồng ở những nơi có lượng mưa trung bình năm trên 2.400mm/năm và ở giảm dầm ở các lập địa khô hạn hơn. Rừng keo ở cấp tuổi nhỏ có tỷ lệ bị bệnh và mức độ bị bệnh nặng hơn so với ở các cấp tuổi cao hơn. Nguồn bệnh có cả ở trong thân cây bị bệnh, trong không khí (tập trung ở độ cao 1,1-1,2m) và trong đất. Bào tử nấm tập trung với mật độ cao trong mùa mưa ẩm, ở trong đất sau nhiều luân kỳ keo.

Các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và pH có ảnh hưởng rõ đế;n sinh trưởng của hệ sợi nấm gây bệnh. Hệ sợi nấm sinh trưởng mạnh nhất ở 25oC, độ ẩm từ 75-80% và trên môi trường có pH từ 6,0 đến 6,5. Yếu tố tuổi cây có ảnh hưởng rõ đến khả năng xâm nhiễm của nấm gây bệnh, rừng trồng Keo lá tràm và keo lai ở cấp tuổi nhỏ bị bệnh nặng hơn so với ở các cấp tuổi cao hơn. Lịch sử canh tác có ảnh hưởng rõ đến khả năng xâm nhiễm của nấm gây bệnh, rừng trồng Keo lá tràm và keo lai trên lập địa đã canh tác nhiều luân kỳ keo và trồng xen canh cây nông nghiệp có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Những nơi có lượng mưa lớn, độ ẩm không khí cao, nấm gây bệnh phát triển mạnh hơn, rừng trồng bị bệnh chết héo nhiều hơn đáng kể.

Đề tài đã xác định được các biện pháp phòng trừ gồm: Tỉa cành vào giữa mùa khô, tỉa đầu cành với cây mới trồng và tỉa đúng kỹ thuật hạn chế gây tổn thương cho cây to đã hạn chế rất hiệu quả bệnh chết héo. Xử lý đất bằng vôi bột kết hợp phơi ải và sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma viride (Tricô ĐHCT, Biobus 1.00WP…), Bacillus subtilis (Bionite WP…) và thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl và Metalaxyl M có hiệu quả cao trong phòng trừ nấm gây bệnh. Hai loại thuốc hóa học Metalaxyl (Mataxyl 500WP…), Metalaxyl M + Mancozeb (Lanomyl 680WP, Ridomil gold® 68WG…); hai loại thuốc sinh học có thành phần Trichoderma viride (Tricô ĐHCT, Biobus 1.00WP…), Bacillus subtilis (Bionite WP…) có hiệu lực ức chế mạnh đối với nấm C. manginecans.

Đề tài đã xây dựng được 21ha mô hình phòng trừ tổng hợp. Các mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo Keo lá tràm, keo lai và Keo tai tượng đều đạt hiệu quả trên 80% và giúp tăng năng suất gỗ trên 30% và tăng hiệu quả kinh tế trên 22%.

Đã xây dựng được 03 quy trình và đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận tiến bộ kỹ thuật “Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh chết héo gây hại keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng”, Mã hiệu: TBKT 01-113: 2021/BVTV.

  1. b) Hiệu quả về kinh tế xã hội:

Hiệu quả kinh tế: Việc áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh chết héo gây hại keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng đảm bảo hiệu quả phòng trừ đạt trên 80% và giúp tăng hiệu quả kinh tế trên 20%..

Hiệu quả xã hội: Việc áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh chết héo gây hại keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng đem lại nhiều lợi ích cho người trồng rừng và tạo ra sự ổn định lao động trong nghề trồng rừng.

Hiệu quả môi trường: Việc áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh chết héo gây hại keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng sẽ bớt đi những chi phí về bảo vệ thực vật và thu được lợi nhuận lớn hơn trong công tác trồng rừng. Đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Check Also

10 vấn đề cần thay đổi trong nghiên cứu khoa học lâm nghiệp – Nông nghiệp Việt Nam

Mặc dù các đơn vị khoa học ngành lâm nghiệp đã cố gắng xây dựng …