Ngày 25/8/2017, tại Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo Quản lý bền vững rừng trồng keo và bạch đàn đa luân kỳ”.
Tới dự và Chủ trì hội thảo có GS.TS Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Tham dự hội thảo có PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi tường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các đại biểu đại diện cho Tổng cục Lâm nghiệp; các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chi cục Kiểm Lâm; Trung tâm Khuyến nông và doanh nghiệp thuộc tỉnh Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Sau khi GS.TS Võ Đại Hải phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Lâm Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh trình bày về các kỹ thuật để quản lý bền vững lập địa rừng trồng keo và bạch đàn đa luân kỳ. Báo cáo đề cập và giới thiệu một số kỹ thuật như: Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác; sử dụng phân bón; chuẩn bị đất trồng rừng; quản lý cỏ dại, nguồn nước và khai thác giảm thiểu tác động nhằm đạt được mục tiêu quản lý lập địa bền vững.
Về lĩnh vực Giống cây Lâm nghiệp, trong khuôn khổ hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật về chọn tạo giống phục vụ tái cơ cấu ngành. Trong đó nêu cao vai trò của công tác giống trong trồng rừng, giới thiệu một số kết quả nghiên cứu nổi bật, công tác chuyển giao giống và kỹ thuật nhân giống. Đặc biệt giới thiệu hơn 190 giống mới đã được công nhận, khoảng 200 ha rừng giống, vườn giống thế hệ 1; 1,5 của Viện. Hiện nay, Viện vẫn đang tiếp tục chuyển giao giống gốc và công nghệ nhân giống cho nhiều đơn vị sản xuất lâm nghiệp trong cả nước.
Tiếp nối chương trình, TS. Đặng Văn Thuyết – Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã giới thiệu kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn Keo lai, Keo tai tượng, Bạch đàn urophylla. Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận và phân tích những ưu điểm, hạn chế của trồng rừng gỗ lớn keo, bạch đàn; phân tích các dạng lập địa thích hợp cho trồng rừng gỗ lớn của từng loại keo, bạch đàn; phương thức kỹ thuật bón phân, chăm sóc, tỉa thưa nuôi dưỡng rừng trồng để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành gỗ lớn.
Cũng tại Hội nghị, TS. Nguyễn Minh Chí; TS. Phạm Xuân Đỉnh đã báo cáo về tình hình sâu bệnh hai rừng trồng các loài Keo và Bạch đàn ở Việt Nam nói chung và ở vùng Trung Bộ nói riêng. Đánh giá kết quả xây dựng mô hình trồng rừng keo và bạch đàn tại Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc trung Bộ.
Về thực trạng, kỹ thuật trồng lại rừng sau khai thác Keo và Bạch đàn tại Bình Định, ThS. Nguyễn Hoài Thanh – Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã có báo cáo tham luận và nhấn mạnh cần có công tác tuyên truyền đến từng hộ dân về kỹ thuật trồng cây keo và bạch đàn, đặc biệt chú ý đến mật độ trồng, hạn chế trồng rừng ở mật độ trên 3000 cây/ha như hiện nay, nhằm giảm tránh tốn công, của và sâu bệnh hại cho cây. Đồng thời cần có giám sát chặt chẽ việc sản xuất giống cây lâm nghiệp bảo vệ quyền lợi cho người trồng rừng.
Trong phiên thảo luận, các nhà khoa học và các Sở, Ban ngành địa phương có đề cập nhiều về công tác quản lý giống, kỹ thuật quản lý lập địa, kỹ thuật trồng, kinh doanh rừng gỗ lớn, giải quyết vấn đề sâu bệnh hại rừng trồng trong vùng.
Kết luận Hội nghị GS.TS Võ Đại Hải nhấn mạnh:
– Trồng rừng gỗ lớn cần phải có quy hoạch cụ thể, cho từng đối tượng loài cây phù hợp với từng công ty, hộ gia đình. Đối với rừng trồng là cây Keo lai nên dùng cây mô không nên dùng cây hom để tránh gió bão gây đổ.
– Cần đẩy mạnh công tác giới thiệu giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật. Tăng cường chuyển giao các biện pháp kỹ thuật quản lý lập địa, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành gỗ lớn tới địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng.
– Tăng cường công tác chuyển giao và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống gốc, quy định trong vòng từ 2 – 3 năm để tránh hiện tượng thoái hóa giống.
– Cần quan tâm tới đề xuất nghiên cứu từ địa phương về xác định kỹ thuật chọn giống và trồng một số loài cây có giá trị dưới tán rừng để nâng cao hiệu quả trồng rừng gỗ lớn.