Home / Hoạt động Khoa học công nghệ / Nghiên cứu đặc điểm sinh học hệ sợi trong nuôi cấy thuần khiết các chủng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris (L.:Fr) Link.

Nghiên cứu đặc điểm sinh học hệ sợi trong nuôi cấy thuần khiết các chủng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris (L.:Fr) Link.

Phạm Quang Thu, Lê Thị Xuân, Nguyễn Mạnh Hà

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Trong những năm gần đây các loài nấm được quan tâm đến như một loại thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe con người ngày một tăng lên. Ngoài ra chúng được các nhà nghiên cứu y dược học hết sức chú ý vì sự đa dạng về các hợp chất sinh học.

Đông trùng hạ thảo là một trong những loại thuốc cổ truyền Trung Quốc. Loài nấm này xâm nhiễm và phát triển trong một loài côn trùng sau đó làm cho ký chủ bị chết. Sau khi trải qua mùa đông bên trong ký chủ, đến mùa hè nó hình thành thể quả, nhú lên và dính liền với thân sâu đã chết.

Nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris thuộc ngành phụ nấm túi được coi như là một dược liệu truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc đã được sử dụng để điều trị các bệnh nan y. Theo y học cổ truyền của Trung Quốc, nấm Đông trùng hạ thảo được dùng để điều trị thành công các chứng rối loạn lipit máu, viêm phế quản mạn, hen phế quản, viêm thận mạn tính, suy thận, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, viêm mũi dị ứng, viêm gan B mạn tính và thiểu năng sinh dục. Nó cũng được dùng trong điều trị những bệnh rối loạn miễn dịch và hỗ trợ điều trị ung thu.

Đặc điểm sinh học của nấm Cordyceps militaris bao gồm đặc điểm sinh trưởng, loại môi trường dinh dưỡng, pH của môi trường, nhiệt độ và ẩm độ không khí tối ưu cho sự phát triển của nấm đã được nghiên cứu. Kết quả chỉ ra rằng 8 chủng nấm Cordyceps militaris gồm 4 chủng thu thập ở Việt Nam, 3 chủng sưu tầm từ Nhật và 1 chủng ở Trung Quốc, tất cảđều sinh trưởng bình thường trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo, trong đó 4 chủng sinh trưởng nhanh bao gồm chủng HL2, chủng CM, chủng F1010 và chủng F1080 với tốc độ lần lượt là 104,66; 122,02; 107,64; 105,08 µm/giờ, 4/8 chủng nấm sinh trưởng chậm là chủng HL22, chủng HL34, chủng HL35 và chủng F1012 với tốc độ sinh trưởng đạt 69,95; 71,92; 79,37 và 80,36 µm/giờ. Các đặc điểm nuôi cấy cho sự phát triển tối ưu của hệ sợi được xác định là môi trường dinh dưỡng là PDA có bổ sung thêm 10% Nhộng tằm, nhiệt độ không khí thích hợp nhất là từ 20 – 25oC, một số chủng như HL2 và chủng F1012 cho sinh trưởng nhanh ở cả nhiệt độ thấp 15oC. Độ ẩm trong không khí trong khoảng 80 – 85%, và môi trường pH là axit từ 4,5 – 6,5.

Từ khóa: Cordyceps militaris, Điều kiện nuôi cấy, Đặc điểm sinh học, Nuôi cấy thuần khiết.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nấm Đông trùng hạ thảo là các loài nấm ký sinh trên sâu non hoặc nhộng hoặc sâu trưởng thành của một số loài côn trùng, lớp nhện. Vào mùa Đông nấm xâm nhiễm, ký sinh vào cơ thể côn trùng và làm cho côn trùng chết và nấm tồn tại trong cơ thể côn trùng dạng hệ sợi và là giai đoạn vô tính. Đến mùa Hè, nhiệt độ và ẩm độ không khí cao, hợi sợi nấm vô tính tiến hành giao phối và chuyển giai đoạn hữu tính, hình thành cây nấm (chất đệm) là cơ quan chứa bào tử vô tính và nhú lên khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào thân sâu. Chính vì vậy mà nấm có tên gọi Đông trùng hạ thảo. Ngay từ thời xa xưa, người ta chú ý nhiều đến dược lý và dùng làm thuốc để chữa bệnh của loài nấm Đông trùng hạ thảo với 2 loài chính là Cordyceps sinensisCordyceps militaris. Loài nấm Cordyceps sinensis phân bố chủ yếu ở vùng núi cao thuộc dẫy núi Hymalaya có độ cao trên 4000m so với mực nước biển như vùng Tây Tạng (Trung Quốc), một số vùng thuộc Nepan và Butan. Loài Nấm Cordyceps militaris, phân bố ở vùng núi thấp hơn có độ cao từ 2000-3000m so với mực nước biển, có hàm lượng các hoạt chất có hoạt tính sinh học trong quả thể như cordycepin, mannitol, cordypolysaccarid, superoxide dismutise và nhiều thành phần khác tương đương, thậm chí còn cao hơn của loài Cordyceps sinensis. Nhờ các hợp chất hóa học này giá trị dược liệu chính của loại nấm Cordyceps militaris được các nhà khoa học thống kê như sau: kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư máu (Kim et al., 2006, Lee H.et al.,2006, Park C.et al.,2005), ung thư phổi, ung thư vú (Ahn Y.J. et al., 2001). Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh nấm có hiệu quả trong chữa trị rối loạn chức năng của gan (Nan J.X et al. 2001), sự lão hoá, các chứng viêm tấy (Won S.Y and Park E.H., 2005). Ngoài ra còn có tác dụng kìm hãm sự oxy hoá của lipid, lipoprotein và lipoprotein tỷ trọng thấp (Klaunig J.E và Kamendulis L.M., 2004, Balaban R.S et al., 2005). Với giá trị hết sức có ý nghĩa đối với ngành y dược như vậy thì việc nghiên cứu đặc điểm sinh học của nấm nhằm nhân nuôi hệ sợi trong nuôi cấy thuần khiết là vô cùng quan trọng, đây là cơ sở để bảo tồn được nguồn gen quý và gây trồng quả thể trong giá thể nhân tạo.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, trang 400-408)

Check Also

Nghiên cứu tuyển chọn giống Thông nhựa kháng Sâu róm thông

Đào Ngọc Quang, Lê Văn Bình Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam TÓM TẮT …

Leave a Reply